4-       Giáo Hội đối với "Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại" trong thế giới tân tiến ngày nay như thế nào?           

            Ở trong một thế giới tân tiến ngày nay đang sống trong lo âu sợ hãi bởi cái họ làm ra, một thế giới tân tiến đang phàt triển trong một mối đe dọa bị mất đi chính mình bằng nhiều hình thức, một thế giới tân tiến đang vi phạm đến quyền lợi của con người được chính mình phác họa ra, Giáo Hội cảm thấy mình:

            - Gắn bó với con người trong mầu nhiệm Cứu Chuộc,

            - Quan tâm đến ơn gọi trong Chúa Kitô của con người, và

            - Có trách nhiệm đối với sự thật. 

Giáo Hội gắn bó với con người trong Mầu Nhiệm Cứu Chuộc

            "Cái nhìn quan thiết ngắn gọn về tình trạng con người trong thế giới tân tiến này (như vừa được nhắc đến ở phần câu hỏi thứ 3 trên đây) hướng tư tưởng và tấm lòng của chúng ta về Chúa Giêsu Kitô, cũng như về mầu nhiệm Cứu Chuộc, một mầu nhiệm in ấn sắc nét chân lý và tình yêu cho vấn đề của con người. Nếu Chúa Kitô 'hiệp nhất với mỗi một người' (Gaudium et Spes, đoạn 22), thì Giáo Hội càng sống động sâu xa hơn bản tính và sứ mệnh của mình, bằng việc thấm nhập vào những chiều sâu của mầu nhiệm này, cũng như vào một thứ ngôn ngữ phổ quát phong phú của mình. Không phải là vô lý để thánh Tông Đồ nói về Thân Thể của Chúa Kitô là Giáo Hội (x.1Cor.6:15,11:3,12:12-13;Eph 1:22-23,2:15-16,4:4-6,5:30; Col.1:18,3:15; Rm.12:4-5; Gal.3:28). Nếu Nhiệm Thể của Chúa Kitô này là Dân của Thiên Chúa - như Công Đồng Chung Vaticanô II sau này nói đến trên căn bản của toàn thể truyền thống thánh kinh cũng như thánh truyền - thì có nghĩa là nơi nhiệm thể này, mỗi một người nhận được bên trong mình hơi thở sự sống từ Chúa Kitô. Như thế, trở lại với con người và những vấn đề thực sự của họ, với những hy vọng và khổ đau của họ, với những thành đạt và vong bại của họ, thì cả điều này nữa cũng làm cho Giáo Hội, là một thân thể (a body), một tổ chức (an organism), một đơn vị xã hội (social unit), nhận thấy mình có cùng một ảnh hưởng thiêng liêng, ánh sáng và sức mạnh của Thần Linh phát xuất từ Chúa Kitô tử giá và phục sinh, và cũng chính vì lý do này mà Giáo Hội sống sự sống của mình. Giáo Hội chỉ có một sự sống: đó là sự sống được Vị Hôn Phu và Chúa của mình ban cho. Thật thế, chính vì Chúa Kitô hiệp nhất Mình với Giáo Hội trong mầu nhiệm Cứu Chuộc, mà Giáo Hội phải vững mạnh hiệp nhất với mỗi một con người" (đoạn 18)

Giáo Hội quan tâm đến ơn gọi trong Chúa Kitô của con ngườiø

            "Cuộc hiệp nhất này của Chúa Kitô với con người tự nó là một mầu nhiệm. Từ mầu nhiệm này sinh ra "một con người mới", được kêu gọi để tham phần vào sự sống của Thiên Chúa (x.2Pt 1:4), được tân tạo trong Chúa Kitô cho mình đầy ân sủng và chân lý (x.Eph 2:10; Jn 1:14,16). Cuộc hiệp nhất của Chúa Kitô với con người là một quyền năng và là nguồn mạch của quyền năng, như Thánh Gioan đã nói rất gọn sáng trong phần nhập đề Phúc Âm của mình: '(Lời) đã ban quyền năng để trở nên con cái Thiên Chúa' (1:12). Con người được biến đổi nội tại bởi quyền năng này, một quyền năng như nguồn mạch của một sự sống mới không biến mất và qua đi song tồn tại đến sự sống muôn đời (Jn 4:14). Sự sống này là hoàn kết (the final fulfillment) cho ơn gọi của con người, một sự sống được Chúa Cha hứa ban và hiến cho mỗi một con người nơi Chúa Giêsu Kitô, Người Con hằng sống duy nhất của Ngài đã nhập thể và sinh bởi Trinh Nữ Maria 'khi thời gian nên trọn' (Gal 4:4). Bằng một đường lối nào đó, nó là cuộc hoàn trọn của 'định mệnh' mà Thiên Chúa  từ đời đời đã sửa soạn cho con người. 'Định mệnh thần linh' (the divine destiny) này đang tiến triển, bất chấp tất cả mọi khôn thấu (the enigmas), mọi nan giải (the unsolved riddles), mọi quanh co và rẽ lượn (the twists and turns) của 'định mệnh con người' (human destiny) trong thế giới thời gian. Thật thế, cho dù sự sống trong thời gian có phong phú đến đâu đi nữa, tất cả định mệnh này cũng không thể nào tránh được việc cần phải tiến đến ranh giới của sự chết cũng như đến mục tiêu hủy hoại của thân xác con người, mà vượt khỏi mục tiêu ấy chúng ta mới thấy được Chúa Kitô. 'Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta... sẽ không bao giờ phải chết' (Jn 11:25-26). Trong Chúa Giêsu Kitô, Đấng bị đóng đanh và được đặt nằm trong mồ để rồi phục sinh, 'hy vọng phục sinh của chúng ta được tỏ rạng... một hứa hẹn sáng sủa cho cuộc bất tử' (lễ cầu cho kẻ chết, kinh tiền tụng I), bằng một đường lối là, nhờ việc thân xác chết đi, con người có thể chia sẻ với toàn thể tạo vật hữu hình cái nhu yếu mà vật chất bị lụy thuộc. Chúng ta có ý định và đang cố gắng thấu triệt cho càng sâu xa hơn ngôn ngữ của sự thật mà Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại đã chiếu sáng lên trong câu 'Chính thần linh ban sự sống, chứ xác thịt chẳng lợi lộc gì' (Jn 6:63). Bất chấp tất cả những dấu hiệu bề ngoài, những lời này diễn tả một xác nhận cao cả nhất về con người - một xác nhận về thân xác được Thần Linh ban cho sự sống.

            "Giáo Hội sống những thực tại này; Giáo Hội sống nhờ sự thật về con người này, một sự thật làm cho họ vượt ra ngoài những ranh giới của tình trạng tạm bợ (temporariness), đồng thời, cũng giúp cho họ nghĩ về tất cả mọi sự được đặc biệt yêu mến và quyến luyến trong những chiều kích của tình trạng tạm bợ này, một tình trạng ảnh hưởng đến đời sống của con người cũng như đến sự sống tâm linh con người, một sự sống được tỏ ra không thôi khắc khoải theo những lời của Thánh Augustinô: 'Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con cho chính Chúa, nên lòng của chúng con khắc khoải cho đến khi đuợc nghỉ yên trong Chúa' (Tự Thú, I,1). Trong nỗi khắc khoải tự nhiên này, một nỗi khắc khoải làm rung động và thổn thức lên cái sâu xa nhất nơi con người: đó là việc tìm kiếm chân lý, là nhu cầu khôn nguôi đối với sự thiện, là niềm đói khát tự do, là nỗi hoài mong (nostalgia) sự mỹ, và là tiếng nói của lương tâm. Tìm kiếm con người đúng như họ là với 'con mắt cùa chính Chúa Kitô', Giáo Hội càng ngày càng nhận thức được rằng Giáo Hội là bảo quản viên (the guardian) của một kho tàng cao trọng mà Giáo Hội chẳng những không được làm cho nó thất thoát đi mà còn phải làm cho nó liên tục tăng phát lên nữa. Thật vậy, Chúa Giêsu phán: 'Ai không thu tích với Ta là kẻ phá tán' (Mt.12:30). Kho tàng nhân loại này được làm giầu bởi một mầu nhiệm khôn tả của việc làm con cái thần linh (x.Jn.1:12), cũng như bởi ơn được 'thừa nhận làm con cái' (Gal.4:5) nơi Người Con duy nhất của Thiên Chúa, nhờ Người Con này chúng ta kêu Thiên Chúa 'Abba, Cha ơi' (Gal 4:6; Rm.8:15), cũng là một động lực mạnh mẽ, trước hết, làm cho Giáo Hội tập trung lại và mang lại ý nghĩa cho tất cả mọi hoạt động của Giáo Hội. Nhờ động lực này, Giáo Hội hiệp nhất với Thần Linh của Chúa Kitô, đó là Thánh Linh được Đấng Cứu Chuộc hứa ban và tiếp tục thông ban, và cuộc hiện xuống của Ngài, như được tỏ ra trong Ngày Lễ Ngũ Tuần, kéo dài cho đến muôn đời. Những quyền năng của Thần Linh (Rm.15:13;1Cor.1:24), những tặng ân của Thần Linh (Ls.11:2-3;Acts 2:38) và những hoa trái của Thánh Linh (Gal 5:22-23) được mạc khải nơi con người là như thế. Giáo Hội ngày hôm nay đây, với một nhiệt tình mạnh mẽ hơn và với một chú tâm thánh hảo, như đang lập lại rằng: 'Xin hãy đến, lạy Chúa Thánh Linh!' Hãy đến! Hãy đến! 'Hãy chữa lành những vết thương đau của chúng con, hãy tái tạo sức mạnh cho chúng con; Xin hãy đổ sương sa của Ngài xuống trên cơn khô khan của chúng con; Xin Ngài hãy tẩy rửa hết những dấu vết lầm lỗi của chúng con; Xin Ngài hãy uốn lòng ý của chúng con cho khỏi bị cứng cỏi; Xin Ngài hãy làm tan đi nỗi đông lạnh và làm ấm lại niềm lạnh lẽo; Xin Ngài hãy dẫn dắt những bước đi cho khỏi sai đường lạc lối' (ca tiếp liên Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống).

            "Lời kêu cầu Thần Linh này, với chủ ý thực sự là xin cho được Thần Linh, là câu trả lời đối với tất cả mọi 'chủ trương duy vật' (materialisms) của thời buổi chúng ta. Những chủ trương duy vật này chính là cái đã sinh ra rất nhiều hình thức không thể nào làm con tim nhân loại được thỏa mãn. Lời kêu cầu này đang vang vọng nơi nhiều lãnh vực khác nhau, và như đang sinh hoa trái bằng nhiều cách thức khác nhau..." (đoạn 18). 

Giáo Hội có trách nhiệm đối với sự thật

            "Trong ánh sáng giáo huấn linh thánh của Công Đồng Chung Vaticanô II, trước mắt chúng ta, Giáo Hội hiện lên như là một chủ thể xã hội có trọng trách đối với sự thật thần linh. Với một lòng xúc động sâu xa khi chúng ta nghe thấy Chính Chúa Kitô nói: 'Lời các con nghe không phải của Thày mà là của Đấng đã sai Thày' (Jn.14:24). Trong lời xác nhận này của vị Thày chúng ta, chúng ta chẳng lẽ lại không nhận thấy hay sao, trách nhiệm của mình đối với sự thật được mạc khải, một sự thật là 'tài sản' của Chính Thiên Chúa, vì ngay cả 'Người Con duy nhất' là Đấng sống 'trong lòng Cha' (Jn.1:18), khi truyền đạt sự thật này như là một vị tiên tri và là một vị thày, Người cũng cảm thấy cần phải nhấn mạnh rằng Người đang tác hành hoàn toàn trung thực với nguồn mạch thần linh? Lòng trung thực như vậy phải là cái tạo nên phẩm chất đức tin của Giáo Hội, cả khi Giáo Hội truyền dạy đức tin cũng như lúc Giáo Hội tuyên xưng đức tin. Đức tin như là một nhân đức siêu nhiên đặc biệt được phú bẩm vào tâm linh con người, làm cho chúng ta trở nên những kẻ thông phần vào kiến thức của Thiên Chúa, như là một đáp ứng lại Lời mạc khải của Ngài. Bởi thế, khi Giáo Hội tuyên xưng và truyền dạy đức tin, Giáo Hội cần phải chặt chẽ gắn liền với sự thật thần linh (x. hiến chế Mạc Khải Thần Linh, đoạn 5,10,21), và phải chuyển đạt nó thành những thái độ sống động của 'một đức tuân phục hợp với lý trí' (hiến chế tín lý của Công Đồng Chung Vaticanô I về Đức Tin Công Giáo, Dei Filius, chương 3). Chính Chúa Kitô, vì quan tâm đến việc trung thực với sự thật thần linh này, đã hứa cho Giáo Hội được trợ giúp đặc biệt của Thần Linh chân lý, đã ban ơn vô ngộ (Hiến chế tín lý thứ nhất của Công Đồng Chung Vaticanô I, Pastor Asternus) cho những vị Người ủy thác việc phải truyền đạt và giảng dạy sự thật này (x.Mt.28:19) - như Công Đồng Chung Vaticanô II cũng đã xác nhận rõ ràng (x.Lumen Gentium, đoạn 17-28) - hơn thế nữa, Người còn ban cho cả Dân của Thiên Chúa một cảm nhận đặc biệt về đức tin (x.Lumen Gentium, đoạn 12,35)...

            "... Bởi thế, không ai có thể làm cho thần học trở thành như một tổng hợp giản dị của những tư tưởng cá nhân mình, trái lại, mọi người phải biết gắn bó với sứ mệnh truyền dạy sự thật mà Giáo Hội chịu trách nhiệm.

            "Việc chia sẻ với sứ vụ tiên tri của Chính Chúa Kitô làm nên sự sống của toàn Giáo Hội theo chiều kích sâu xa nhất của nó. Việc chia sẻ riêng biệt với sứ vụ tiên tri này thuộc về các vị chủ chiên trong Giáo Hội, những vị giảng dạy và tiếp tục, bằng những cách thức khác nhau, công bố và truyền đạt giáo điều liên quan đến đức tin và luân lý Kitô giáo...

            "... Giáo Hội hôm nay đây, được hướng dẫn bằng một cảm nhận về trách nhiệm đối với sự thật, phải kiên trì sống trung thực với bản tính của mình, một bản tính bao gồm sứ vụ tiên tri phát xuất từ Chính Chúa Kitô: 'Như Cha đã sai Thày thế nào, Thày cũng sai các con như vậy... Hãy nhận lấy Thánh Linh' (Jn.20:21-22)".